VTIAC THAM GIA ĐÀO TẠO PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ, THU HỒI NỢ TẠI CÁC TỔ CHỨC TÀI CHÍNH TIÊU DÙNG

VTIAC THAM GIA ĐÀO TẠO PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ, THU HỒI NỢ TẠI CÁC TỔ CHỨC TÀI CHÍNH TIÊU DÙNG

Ngày 05/5/2023, tại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội, số 504 Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Công ty tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) đã tổ chức khóa đào tạo “Pháp luật và tuân thủ trong xử lý, thu hồi nợ tại các tổ chức tiêu dùng”. Đây là chương trình đào tạo dành riêng cho cán bộ làm công tác xử lý, thu hồi nợ của PTF. VTIAC đã cử trọng tài viên cao cấp là TS. Nguyễn Thành Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VTIAC tham gia khóa đào tạo này với tư cách là chuyên gia giảng dạy tại khóa đào tạo này.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm đào tạo Hiệp hội Ngân hàng
phát biểu khai mạc Chương trình tập huấn

Cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng). Với đặc điểm sản phẩm đơn giản, thủ tục đơn giản, không có tài sản bảo đảm, thời gian quyết định cho vay nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tiếp cận với nhóm khách hàng “dưới chuẩn”, công ty tài chính phải đối mặt rất nhiều với các khoản nợ xấu phát sinh. Mặc dù mỗi khoản nợ có giá trị không lớn (khoảng vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng) nhưng tổng số lại chiếm khá lớn trong tỷ trọng cho vay, nếu không có giải pháp thu hồi nợ triệt để sẽ dẫn đến những tổn thất rất lớn cho công ty tài chính, thậm chí là lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản.
Thời gian qua, các tổ chức tài chính tiêu dùng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro không thu hồi được nợ xấu do khoản vay không có tài sản bảo đảm, các biện pháp xử lý nợ còn hạn chế do các công ty tài chính chủ yếu mới dừng ở việc đôn đốc nhắc nợ. Do đó, đối với những trường hợp khách hàng trây ỳ, cố tình không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, các công ty tài chính thường khá lúng túng và chưa có giải pháp thu hồi nợ hiệu quả.
Pháp luật hiện hành quy định nhiều biện pháp xử lý nợ khác nhau, bao gồm cả các biện pháp kỹ thuật và biện pháp thu hồi nợ trực tiếp. Đối với các trường hợp phát sinh tranh chấp, pháp luật cũng quy định bốn phương thức giải quyết tranh chấp gồm: thương lượng, hòa giải thương mại, tố tụng trọng tài và tố tụng tòa án. Hành lang pháp lý khá cởi mở và đa dạng, tuy nhiên, cán bộ xử lý nợ cũng như công ty tài chính phải có cách làm đúng đắn và phù hợp vừa để bảo đảm hiệu quả thu hồi nợ cao nhất vừa bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.

TS. Nguyễn Thành Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VTIAC với bài giảng “Pháp luật và tuân thủ trong xử lý, thu hồi nợ tại các tổ chức tài chính tiêu dùng”

Với kinh nghiệm thực chiến nhiều năm là luật sư, trọng tài viên, chuyên gia xử lý thu hồi nợ xấu, TS. Nguyễn Thành Nam đã chia sẻ nhiều kiến thức và tình huống thực tiễn để các học viên nắm được các kỹ năng cần thiết trong quá trình xử lý thu hồi nợ, bao gồm việc vận dụng đúng pháp luật từng biện pháp xử lý nợ và áp dụng linh hoạt các biện pháp xử lý nợ nhằm đạt hiệu quả thu hồi nợ cao nhất.

TS. Nguyễn Thành Nam chụp ảnh lưu niệm cùng một số học viên

Thời gian gần đây, cơ quan công an thường xuyên tiến hành kiểm tra hành chính và hoạt động thu hồi nợ tại một số công ty tài chính như: Công ty Tài chính HD Sài Gòn, Công ty tài chính cổ phần Điện Lực, Công ty tài chính SHB, Công ty tài chính Shinhan, Công ty tài chính Home Credit, Công ty tài chính FCCom… dẫn đến hoạt động thu hồi nợ của nhiều công ty tài chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây hoang mang đối với cán bộ làm công tác thu hồi nợ tại công ty tài chính. Do đó, việc Hiệp hội Ngân hàng và PTF tổ chức khóa đào tạo về pháp luật và tuân thủ trong xử lý, thu hồi nợ vô cùng có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Khổng Thảo

 

<< Xem Thêm Tin tức - Sự kiện

Share