VTIAC LÀM VIỆC VỚI BIDV SUMI TRUST

VTIAC LÀM VIỆC VỚI BIDV SUMI TRUST

Sáng ngày 06/4/2023, tại Trụ sở Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV Sumi TRUST (BSL), Trung tâm trọng tài Thương mại và Đầu tư Việt Nam (VTIAC) đã có buổi làm việc với BSL để bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp giúp giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các tranh chấp phát sinh.

(Tòa nhà đặt trụ sở của BIDV SuMi Trust)
 
Về phía VTIAC có Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký trung tâm và Luật sư Nguyễn Trọng Quang – Phó Tổng thư ký trung tâm; về phía BIDV Sumi TRUST có bà Lưu Thùy Linh - Trưởng ban - Bộ phận pháp chế và tuân thủ và bà Võ Thị Thu Thủy - Trưởng ban – Ban Quản lý rủi ro và các cán bộ liên quan.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm của VTIAC trong việc giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục hòa giải thương mại và trọng tài thương mại, chỉ ra những ưu việt của các hình thức này so với các hình thức giải quyết tranh chấp khác: Cả ba hình thức giải quyết tranh chấp: hòa giải, trọng tài hay tòa án đều cần sự tham gia của bên thứ ba đứng ra là trung gian. Giải quyết tranh chấp tại tòa án phải tuân theo quy trình, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định, bản án của tòa án có thể bị kháng cáo kháng nghị nên thường bị kéo dài thời gian. Hơn nữa, nếu sử dụng biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua tòa án thì các thông tin của đương sự sẽ không được bảo mật, các bên tranh chấp bị đẩy vào tình thế căng thẳng, không còn giữ được thiện chí hợp tác. Biện pháp hòa giải thương mại khá linh hoạt vì không yêu cầu phải tuân thủ bất kỳ quy trình tố tụng nào, nhưng lại đạt hiệu quả cao do quá trình hòa giải được sự điều phối của hòa giải viên am hiểu về nghiệp vụ chuyên môn. Kết quả hòa giải cũng được bảo đảm thực hiện bởi cơ quan thi hành án sau khi kết quả hòa giải được thực hiện thủ tục công nhận theo quy định của pháp luật. Đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, thông tin của các bên được bảo mật, phán quyết trọng tài là chung thẩm, thời gian giải quyết tranh chấp cũng được rút ngắn hơn rất nhiều so với tố tụng tại tòa. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam cũng giải đáp các thắc mắc của đại diện BSL đối với quy trình thực hiện giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải thương mại và trọng tài thương mại.
Hai bên cũng đề cập đến nhiều hoạt động khác như khả năng thực hiện các hoạt động đào tạo tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trọng tài viên, hòa giải viên của VTIAC với cán bộ nhân viên làm công tác giải quyết tranh chấp của BSL.
Buổi gặp bước đầu tạo cơ sở hợp tác trong tương lai giữa hai bên.

Khổng Thảo.
<< Xem Thêm Tin tức - Sự kiện

Share