NHỮNG LỢI THẾ KHI GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI THÔNG QUA TRỌNG TÀI
NHỮNG LỢI THẾ KHI GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI THÔNG QUA TRỌNG TÀI
Khi tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, các bên có quyền lựa chọn giữa việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án có thẩm quyền hoặc tại tổ chức trọng tài thương mại. Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chỉ được thực hiện khi các bên có thỏa thuận trọng tài hợp pháp, được xác lập trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, "Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này".
Nói cách khác, trọng tài thương mại là cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài hệ thống tư pháp nhà nước, do các trọng tài viên - là bên thứ ba độc lập và được các bên lựa chọn - tiến hành trên cơ sở thỏa thuận. Đây là phương thức dung hòa giữa quyền tự do thỏa thuận của các bên và hiệu lực cưỡng chế pháp lý của phán quyết trọng tài.
1. Đảm bảo tính bảo mật, giữ gìn uy tín và bí mật kinh doanh
Một trong những ưu điểm nổi bật của trọng tài thương mại là khả năng bảo vệ bí mật kinh doanh và uy tín nghề nghiệp của các bên. Theo Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trong bối cảnh các tranh chấp thương mại thường gắn liền với thông tin nhạy cảm, đây là lợi thế vượt trội so với nguyên tắc xét xử công khai tại Tòa án.
2. Thủ tục tố tụng linh hoạt, mềm dẻo và tôn trọng ý chí thỏa thuận của các bên
Không giống như các thủ tục tố tụng cứng nhắc tại Tòa án, quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được xây dựng trên cơ sở tôn trọng tối đa sự thỏa thuận của các bên. Các bên có quyền tự do thỏa thuận về ngôn ngữ tố tụng, địa điểm giải quyết tranh chấp, luật áp dụng trong trường hợp tranh chấp có yếu tố nước ngoài… như quy định tại các Điều 10, 11 và 14 của Luật Trọng tài thương mại 2010. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để các bên lựa chọn cơ chế phù hợp nhất với đặc thù tranh chấp của mình.
3. Phán quyết có hiệu lực chung thẩm, nhanh chóng và dứt điểm
Khác với hệ thống xét xử nhiều cấp tại Tòa án, phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm ngay khi được ban hành. Theo quy định pháp luật, phán quyết trọng tài có hiệu lực tương đương với bản án của Tòa án và có giá trị ràng buộc đối với các bên tranh chấp, không bị kháng cáo hay chống án, trừ một số trường hợp hủy phán quyết theo quy định pháp luật.
4. Duy trì mối quan hệ hợp tác giữa các bên
Quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thường tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tiến hành thương lượng, thể hiện thiện chí và nhu cầu hợp tác, từ đó giúp duy trì và khôi phục mối quan hệ thương mại sau tranh chấp. Trọng tài thương mại vì vậy được coi là phương thức giải quyết tranh chấp có tính xây dựng, hạn chế sự đối đầu gay gắt như tại Tòa án.
5. Phán quyết trọng tài được công nhận và thi hành rộng rãi trên phạm vi quốc tế
Nhờ sự tồn tại của các công ước quốc tế như Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, các phán quyết trọng tài được bảo đảm khả năng thi hành tại hầu hết các quốc gia thành viên, tạo thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh giao thương quốc tế ngày càng mở rộng.
Có thể khẳng định, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, kết hợp được tính tự do thỏa thuận và hiệu lực thi hành nghiêm minh, đồng thời góp phần duy trì sự ổn định trong quan hệ thương mại giữa các bên. So với các phương thức như thương lượng, hòa giải hay Tòa án, trọng tài thương mại đang ngày càng khẳng định vai trò ưu việt trong môi trường kinh doanh hiện đại.