GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI VÀ HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM


GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI VÀ HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM


Chiều 21/12/2022, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng đã phối hợp với Câu lạc bộ Khối Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải thương mại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam”. TS.Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý là lãnh đạo, đại diện đến từ các vụ, cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); Trung tâm trọng tài Thương mại và Đầu tư Việt Nam (VTIAC); các ngân hàng thương mại; các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu và các cơ quan thông tấn, báo chí…

 

TS. Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng chia sẻ, nền kinh tế nước ta trong những năm trở lại đây đang phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau. Sự phát triển này cũng dẫn đến nhiều hệ quả, đặc biệt là nảy sinh nhiều tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Kinh tế càng phát triển thì các quan hệ kinh tế, thương mại diễn ra càng đa dạng, phức tạp, giá trị kinh tế, lợi nhuận càng lớn, và nguy cơ phát sinh tranh chấp càng cao. Hay nói cách khác, tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại là một phần tất yếu. Tại Việt Nam, các quy định của pháp luật điều chỉnh về trọng tài, hòa giải thương mại mặc dù đã được hình thành, song vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, dẫn đến hệ quả là quá trình áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại được các tổ chức tài chính đặc biệt quan tâm. Việc sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại sẽ đảm bảo được tối đa quyền lợi của các tổ chức tài chính, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại và Đầu tư Việt Nam (VTIAC) 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại và Đầu tư Việt Nam (VTIAC) trình bày tham luận: “Vị trí, vai trò và định hướng hoạt động cho các tổ chức tài chính, tín dụng trong việc bảo đảm thực thi kết quả hòa giải thương mại, phán quyết trọng tài thương mại”. PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu cho biết, tranh chấp thương mại là hiện tượng phổ biến xảy ra trong nền kinh tế, làm chậm quá trình lưu thông hàng hóa, quá trình thanh toán và gây tác động xấu đến quan hệ đối tác giữa các bên. Luật Thương mại năm 2005 đã quy định cụ thể về các hình thức giải quyết tranh chấp giữa các bên do một bên thứ ba làm trung gian hòa giải, trọng tài. Cơ sở pháp lý về hòa giải thương mại, trọng tài thương mại tại Việt Nam hiện nay khá đầy đủ được thể hiện qua Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ về Hòa giải thương mại.

PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu cũng phân tích về khả năng triển khai phương thức hòa giải thương mại. Đặc biệt là bảo đảm thực thi kết quả hòa giải thương mại, trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp của các tổ chức tài chính, tín dụng; đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phương thức giải quyết tranh chấp bằng đường hòa giải thương mại, trọng tài thương mại của tổ chức tín dụng (TCTD), gồm: (i) Xác định rõ các loại hình tranh chấp cùng với đặc điểm của tranh chấp do các TCTD thực hiện và chỉ rõ tính ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải thương mại hoặc trọng tài thương mại; (ii) Đưa phương án giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại mà một bên là TCTD là phương án ngang bằng với các phương án giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài và con đường tòa án; (iii) Xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hoặc trọng tài thương mại trong hợp đồng hoặc thỏa thuận mẫu về áp dụng phương pháp hòa giải hoặc trọng tài thương mại; (iv) Xây dựng quan điểm thống nhất về việc cần thiết sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải thương mại trong hệ thống tổ chức tư vấn pháp lý nội bộ của TCTD; (v) Đào tạo cán bộ nhân viên, phổ biến kiến thức về giải quyết tranh chấp nói chung và giải quyết tranh chấp bằng hình thức hòa giải thương mại, trọng tài thương mại nói riêng; xây dựng hệ thống thư viện pháp lý liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động và giải quyết tranh chấp; (vi) Lựa chọn các trung tâm hòa giải thương mại chuyên sâu về lĩnh vực tài chính - ngân hàng cùng đội ngũ hòa giải viên có trình độ chuyên môn tốt, hỗ trợ đắc lực cho việc tạo ra hiệu quả; (vii) Tư vấn và giải thích cho khách hàng, đối tác thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp; và (viii) Khi giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên cần mềm dẻo thực hiện thương lượng như là một bước đầu tiên nhằm đối thoại để làm rõ các vướng mắc, nguyên nhân và nhất trí về cách khắc phục.

TS. LS. Nguyễn Thành Nam - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VTIAC

Trong bài phát biểu của mình, TS. LS. Nguyễn Thành Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VTIAC, cho biết trong công tác xử lý nợ xấu, căn cứ vào đặc điểm khoản nợ và tình hình khách hàng, mỗi nhà băng sẽ có phương án thu hồi nợ riêng; tuy nhiên, nhìn chung nguyên tắc xử lý nợ là phải nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhất phát sinh nợ xấu và đưa ra phương thức giải quyết nhanh chóng, phù hợp. Ở thời điểm ban đầu phát sinh nợ xấu, thông thường các ngân hàng sẽ tổ chức các buổi làm việc với khách hàng để xác minh, làm rõ thông tin, đánh giá hiện trạng khách hàng và khoản nợ từ đó đưa ra các thỏa thuận về gia hạn nợ hay điều chỉnh kỳ hạn trả nợ. Trường hợp khách hàng, bên bảo đảm vi phạm cam kết và không hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm thì ngân hàng sẽ tiến hành khởi kiện. Với cách thức thực hiện như vậy, vô hình trung ngân hàng bỏ lỡ thời điểm vàng, khi khách hàng đã thỏa thuận và đưa ra cam kết xử lý tài sản bảo đảm. Nếu ngay từ đầu, ngân hàng quan tâm đến điều khoản giải quyết tranh chấp và đưa vào hợp đồng một thỏa thuận hòa giải hoặc thỏa thuận trọng tài thì việc thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng cũng như bên bảo đảm sẽ có sự hỗ trợ của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm của trung tâm trọng tài, điều này giúp cho các ngân hàng dễ đạt thỏa thuận hơn, mặt khác, tổ chức trọng tài cũng giúp cho các thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng được bảo đảm tính thực thi thông qua cơ chế công nhận kết quả hòa giải hoặc quyết định công nhận hoà giải thành của hội đồng trọng tài (tương tự như quyết định công nhận hòa giải thành tại tòa án), khi đó, khách hàng hay bên bảo đảm buộc phải thực hiện đúng cam kết nếu không sẽ bị cơ quan thi hành án cưỡng chế thực hiện. Ông cũng đưa ra một số kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và bảo đảm thực thi quyết định hòa giải, phán quyết trọng tài thương mại tại Việt Nam.


Toàn cảnh buổi hội thảo

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu, đây là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu viên, người làm thực tế học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực trọng tài và hòa giải thương mại đánh giá những quy định của pháp luật hiện hành về thực thi phán quyết trọng tài thương mại, kết quả hòa giải thương mại và những vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, từ đó đặt ra những giải pháp nhằm thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp được coi là ưu việt này./.

Minh Trang

 

<< Xem Thêm Tin tức - Sự kiện

Share