“Thiết lập một hệ sinh thái giải quyết tranh chấp ngoài tòa án hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển một môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” Giám đốc USAID Việt Nam Yastishock phát biểu. “Các kết quả hợp tác trước đây giữa Bộ Tư pháp và USAID đã đem đến những cải cách tích cực về pháp luật và thể chế, giúp nâng cao sức cạnh tranh kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi mong rằng sự tin cậy và tinh thần thiện chí lâu dài được xây dựng thông qua quan hệ hợp tác trước đây của chúng ta sẽ tiếp tục được mở rộng sang quan hệ hợp tác mới về cải thiện môi trường giải quyết tranh chấp ngoài tòa án tại Việt Nam.”
Nhu cầu về giải quyết tranh chấp ngoài tòa án tại Việt Nam đã gia tăng cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự hội nhập tích cực của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu. Giải quyết tranh chấp ngoài tòa án cho phép giải quyết các tranh chấp thương mại và đầu tư bên ngoài hệ thống tư pháp truyền thống, một quy trình có thể kéo dài và gây tốn kém cho doanh nghiệp và làm tăng rủi ro khi kinh doanh tại một quốc gia. Ngoài ra, các phán quyết trọng tài, một hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, có hiệu lực thi hành ở nhiều nước trên thế giới trong khi kết quả tranh tụng tại tòa án thì không như vậy.
Mặc dù giải quyết tranh chấp ngoài tòa án vẫn còn khá mới mẻ với Việt Nam, song những cam kết quốc tế của Việt Nam đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng củng cố hành lang về giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Cụ thể, Việt Nam đang là thành viên của hơn 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương và nhiều hiệp định thương mại tự do với những điều khoản về bảo hộ đầu tư trong đó cho phép giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư bằng phương thức trọng tài. Năm 1995, Việt Nam tham gia Công ước về công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài nước ngoài, theo đó Việt Nam phải công nhận và thực thi các phán quyết trọng tài nước ngoài.
Các hoạt động trong khuôn khổ bản ghi nhớ ký ngày hôm nay có thể bao gồm: cải thiện chính sách và pháp luật liên quan, chẳng hạn như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn tốt nhất; nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong mạng lưới giải quyết tranh chấp ngoài tòa án; tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan khác; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các bên liên quan của Việt Nam về lợi ích của giải quyết tranh chấp ngoài tòa án.
Trước đây, USAID và Bộ Tư pháp đã hợp tác thực hiện thành công 2 dự án là Dự án Hỗ trợ Thi hành Pháp luật về Hội nhập Kinh tế (dự án STAR Plus) và Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện (dự án GIG) do USAID tài trợ.
Nguồn: https://www.usaid.gov.vn
<< Xem Thêm Điểm tin